Những lưu ý quan trọng giúp tiết sinh hoạt lớp hiệu quả

GD&TĐ – Một tiết sinh hoạt chủ nhiệm đạt hiệu quả cao là tiết sinh hoạt do các cán sự lớp tự quản, tự điều hành với sự quan sát, tiếp sức của giáo viên chủ nhiệm (GVCN).
51def5da2e47cc199556
Tiết sinh hoạt lớp cũng không nên cứng nhắc tổ chức mãi trong lớp học
mà cần được lựa chọn thay đổi sao cho mới lạ, hấp dẫn
Họp ban cán sự lớp
Trước giờ sinh hoạt lớp (có thể là một buổi hay một ngày) tùy theo tình hình và khả năng tổng hợp của giáo viên nên có cuộc họp Ban cán sự lớp trước. Buổi họp này rất quan trọng và cần thiết để GVCN nắm tình hình đã thực hiện được và đã diễn ra trong tuần; chia sẻ những khó khăn trước với các cán sự lớp, thống nhất cách thức giải quyết những vướng mắc, thống nhất những định hướng, cách thức khắc phục và hướng phát triển cho tuần học sau.
Qua buổi họp này, GVCN tự mình xác định mục tiêu cho buổi sinh hoạt; đề ra được những hình thức tổ chức, phương pháp cần vận dụng, ngôn từ, thái độ,… cho những cuộc trò chuyện, trao đổi, tranh luận trong buổi sinh hoạt.
04e4e2e3327ed020896f (1)
Xác định mục tiêu tiết sinh hoạt
Thông qua buổi họp Ban cán sự, GVCN cần xác định thực hiện cho được 3 nội dung trọng tâm sau:
Thống kê những việc đã thực hiện tốt để khen ngợi, tạo động lực, đồng thời phân tích và chỉ ra được nguyên nhân của những tồn tại trong tuần; những vướng mắc nào cần phải được tháo gỡ và trao đổi thảo luận tìm ra cách thức tháo gỡ (GVCN nên phát huy vai trò các cán sự lớp và các thành viên trong lớp, không tự ý nêu ra cách thức khắc phục).
Trên cơ sở những hoạt động của tuần trước và tình hình thực tế cần thực hiện của tuần sau, cán sự lớp cùng các thành viên trao đổi bàn bạc những công việc cần thực hiện trong tuần tới, cần có sự biểu quyết sau khi được tập thể cân nhắc, lựa chọn cùng thống nhất.
Xác định kĩ năng cần rèn luyện trong tuần sau; từ kĩ năng này kết hợp tuyên truyền theo chủ điểm tháng để giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết thêm những sự kiện, những tấm gương,… khơi dậy lòng ham thích, đam mê và tự hào truyền thống dân tộc.
Lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức
Tùy theo tình hình thực tế của lớp của trường và những sự việc đã và diễn ra mà GVCN lựa chọn phương pháp để vận dụng phù hợp cho từng đối tượng, từng vụ việc cụ thể. Có thể: vấn đáp, trao đổi, đàm thoại, nhắc nhở, khiển trách, nêu gương,…
Lưu ý, lời nói, cử chỉ hành động, thái độ,… của giáo viên cần hết sức tế nhị lịch sự, gần gũi, chân thành. Tránh cau có, dùng những lời xúc phạm, hành vi nhạy cảm, làm mất chỗ dựa vững chắc cho học trò. Mục tiêu tiết sinh hoạt đã không đạt được mà còn gây phản cảm, phản tác dụng giáo dục.
Tiết sinh hoạt lớp cũng không nên cứng nhắc tổ chức mãi trong lớp học mà cần được lựa chọn thay đổi sao cho mới lạ, hấp dẫn. Điều này phải tùy thuộc vào nội dung của tiết sinh hoạt, có thể tổ chức trên sân trường, trong vườn hoa, công viên hay kết hợp với những buổi ngoại khóa mà sinh hoạt lớp. Cần có những môi trường, những địa điểm thú vị để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc sao cho hiệu quả.
Các bước tiến hành tiết sinh hoạt lớp
Dù có lựa chọn hình thức tổ chức tiết sinh hoạt như thế nào, chúng ta cũng cần tiến hành theo các bước sau:
1. Ổn định lớp.
2. Nêu mục đích lí do.
3. Phân công, chuẩn bị các nội dung cần thực hiện (những công việc này đã được GVCN củng Ban cán sự lớp tư vấn, thống nhất trong cuộc họp Ban cán sự).
4. Thảo luận tổ, nhóm (thời gian thảo luận tùy vào nội dung cần trao đổi. Để nhanh gọn và hiệu quả GVCN có thể khuyến khích HS thảo luận trước trong giờ chơi hay trước buổi học).
Tùy vào điều kiện cũng như tình hình thực tế, từng thời điểm mà GVCN có thể lựa chọn các nội dung thảo luận cho HS:
Chẳng hạn: Khắc phục những hạn chế tuần qua; điều chỉnh nội quy lớp học; biện pháp thực hiện kế hoạch tuần tới…
5. Tổ chức trình bày – sinh hoạt lớp (HS tự thực hiện theo hình thức tự quản có sự tiếp sức của GVCN)
Tất cả những nội dung cần trao đổi thảo luận, thống nhất được Ban cán sự cùng với GVCN trao đổi, sắp xếp. Lớp trưởng hoặc lớp phó tự quản lớp và thực hiện theo trình tự đã định. GVCN làm nhiệm vụ trợ giúp và ra quyết định khi cần thiết.
6. GV nhận xét, tổ chức bình chọn những thành viên ưu tú trong tuần, những tiến bộ vượt bậc của các cá nhân, để khen ngợi, khích lệ đồng thời nhắc nhở, chỉnh sửa, đôn đốc khắc phục những khuyết điểm (nếu có). Mỗi tiết sinh hoạt cần lồng ghép nội dung sinh hoạt theo chủ điểm tháng. Nội dung này cần ngắn gọn, có thể chuyển thể thành văn nghệ để thay đổi không khí tiết sinh hoạt,…